.
.
.
.
Napoléon Bonaparte là một nhà quân sự và nhà chính trị kiệt xuất người Pháp trong và sau cuộc cách mạng Pháp cũng như các cuộc chiến tranh liên quan ở châu Âu. Với đế hiệu Napoléon I, ông là Hoàng đế của người Pháp từ năm 1804 đến năm 1815
Với đế hiệu Napoléon I, ông là Hoàng đế của người Pháp từ năm 1804 đến năm 1815. Cuộc cải cách pháp luật của ông, Bộ luật Napoléon, đã có những ảnh hưởng lớn lên nhiều bộ luật dân sự trên toàn thế giới, nhưng ông được nhớ đến nhất bởi vai trò của mình trong các cuộc chiến tranh mà Pháp phải đương đầu với hàng loạt liên minh, được gọi là các cuộc chiến tranh Napoléon. Ông đã thiết lập quyền bá chủ trên phần lớn lục địa châu Âu và tìm cách truyền bá những lý tưởng của cách mạng Pháp, đồng thời củng cố nền đế chế làm phục hồi những nét của chế độ cũ Pháp (Ancien Régime). Nhờ thắng lợi trong những cuộc chiến này, thường là chống lại đối phương có ưu thế về quân số, ông được coi là một trong những nhà quân sự vĩ đại nhất mọi thời đại, và các chiến dịch của Napoléon được nghiên cứu tại các học viện quân sự trên khắp thế giới[1].
Napoléon được sinh ra ở Ajaccio thuộc Corse, trong một gia đình thuộc dòng dõi quý tộc Genoa (Ý). Ông được đào tạo thành một sỹ quan pháo binh ở Pháp. Bonaparte trở nên nổi tiếng dưới thời Đệ nhất Cộng hòa Pháp khi chỉ huy thành công nhiều chiến dịch chống lại Liên minh thứ nhất và các thứ hai chống Pháp. Ông cũng tiến hành cuộc chinh phạt bán đảo Ý.
Năm 1799, ông đã tổ chức một cuộc đảo chính và tự đưa mình trở thành vị Tổng tài thứ nhất; năm năm sau đó Thượng viện Pháp tuyên xưng ông là Hoàng đế Pháp. Trong thập niên đầu tiên của thế kỷ 19, Đệ nhất Đế chế Pháp dưới quyền Napoléon đã tham gia vào một loạt xung đột - những cuộc chiến tranh Napoléon - lôi kéo mọi cường quốc chính ở châu Âu tham gia. Sau một loạt thắng lợi, Pháp đạt được vị trí thống trị ở lục địa châu Âu, và Napoléon duy trì phạm vi ảnh hưởng của Pháp thông qua việc thành lập của những mối đồng minh rộng lớn và bổ nhiệm bạn bè và người thân cai trị các quốc gia châu Âu khác như những chư hầu của Pháp.
Cuộc chiến kéo dài ở bán đảo Iberia và cuộc xâm lược nước Nga năm 1812 đánh dấu bước ngoặt trong cơ đồ của Napoléon. Quân đội chủ lực của Pháp, Grande Armée, bị tổn thất nặng nề trong chiến dịch và không bao giờ có thể khôi phục lại hoàn toàn. Năm 1813, Liên minh thứ sáu đã đánh bại quân đội của ông tại Leipzig, năm sau đó Liên minh xâm lược Pháp, buộc Napoléon phải thoái vị và đày ông đến đảo Elba. Chưa đầy một năm sau, ông thoát khỏi Elba và trở lại nắm quyền, nhưng đã bị đánh bại trong trận Waterloo vào tháng 6 năm 1815. Napoléon trải qua sáu năm cuối cùng của cuộc đời trong sự giam cầm của người Anh trên đảo Saint Helena. Cái chết của ông gây ra nhiều tranh cãi về sau, chẳng hạn một số học giả cho rằng ông là nạn nhân của một vụ đầu độc bằng arsen.
No comments:
Post a Comment